Dưới đây là toàn văn bài viết đăng trên Báo An ninh Thủ đô:
Vì sao Mỹ áp dụng mức thuế quan cao?
Theo tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump, bắt đầu từ ngày 5/4, hàng hóa từ tất cả các nước nhập vào Mỹ phải chịu mức thuế tối thiểu 10%. Và bắt đầu từ ngày 9/4 Mỹ sẽ áp dụng thuế mậu dịch 46% lên hầu hết các hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam; trừ một số mặt hàng như thép (mức thuế 25%), aluminium (mức thuế 10%) từ năm 2018, hay như các mặt hàng như đồng, vàng, chất bán dẫn, các bộ phận ô tô, thuốc y tế, năng lượng, khoáng sản mà Mỹ không có. Trước ngày 5/4, trừ thép và aluminium (theo tỷ lệ ở trên) và một số hàng hóa đặc biệt khác, Mỹ đã áp dụng quy chế tối huệ quốc với mức thuế trung bình 2,5% lên tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.
Trước bối cảnh đó, Việt Nam đã có nhiều động thái trước ngày 2/4. Theo Nghị định 73/2025/NĐ-CP sửa đổi, Việt Nam sẽ cắt giảm thuế đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ, trong đó có ethanol (giảm từ 10% xuống 5%), khí tự nhiên hóa lỏng GNL (từ 5% xuống 2%), nhiều sản phẩm nông nghiệp xuống mức 5%, một số sản phẩm gỗ xuống 0%, nhiều mặt hàng ô tô từ Mỹ giảm từ 45-64% xuống 32%. Tuy nhiên, những nỗ lực này vẫn chưa đủ.
Ngay sau ngày 2/4/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc điện đàm ủng hộ cho việc đàm phán hướng đến gỡ bỏ thuế quan (thuế quan 0%) cho hàng hóa của hai phía. Đây là biện pháp đúng hướng cho vấn đề thương mại giữa hai nước.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều chưa rõ về quy chế tự do mậu dịch này. Hiện nay, chúng ta vẫn chưa rõ là mục tiêu thuế quan (0%) chỉ áp dụng lên hàng nhập khẩu từ Mỹ vào Việt Nam hay là nó phải bao gồm cả việc Việt Nam phải bãi bỏ tất cả các rào chắn phi mậu dịch lên hàng hóa đến từ Mỹ?
Giá trị nhập khẩu hàng hoá từ Mỹ năm 2024 của Việt Nam khoảng 13 tỷ USD là khá khiêm tốn so với tổng nhập khẩu hàng hoá của Mỹ từ Việt Nam (136,5 tỷ USD năm 2024). Các chuyên gia cho rằng cái mà Mỹ muốn chính là giá trị xuất khẩu hàng hoá từ Mỹ vào Việt Nam phải cao hơn thế nữa (13 tỷ USD). Theo cách tính của họ, cái mà Mỹ muốn là giảm ít nhất 50% thâm hụt thương mại với Việt Nam.
Phía Mỹ cho rằng Việt Nam vừa áp dụng thuế quan vừa có những biện pháp thao túng, hạn chế hoặc cấm nhập khẩu hàng hóa tái sản xuất, hạn chế khả năng tiếp cận thị trường của các nhà xuất khẩu Hoa Kỳ, không khuyến khích thương mại các sản phẩm mới đến từ Mỹ.
Theo USTR, năm 2025, các rào chắn phi mậu dịch của Việt Nam bao gồm: rào cản hải quan (thời hạn giải phóng hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam); giấy phép và thủ tục kinh doanh đối với các sản phẩm dược và thiết bị y tế; chỉ cho phép lưu hành ethanol E5; rào cản kỹ thuật về nhãn mác thương mại, kiểm tra trong nước đối với các sản phẩm công nghệ thông tin; rào cản quy định về vệ sinh, kiểm dịch động vật và an toàn thực phẩm; các chế tài trong mua sắm công, thị trường công (ưu tiên cho hàng hóa trong nước); hạn chế về bảo vệ bản quyền và sở hữu trí tuệ; rào cản về đầu tư...

Chính sách thuế quan của Mỹ đang khiến các nước gặp khó khăn
Dự báo tác động đến mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025?
Chúng ta hãy làm một phép tính đơn giản để xem xét ảnh hưởng của thuế quan Mỹ đối với GDP Việt Nam năm 2025. Giả sử sau khi đàm phán giữa lãnh đạo Việt Nam và Mỹ, Việt Nam sẽ bị áp mức thuế quan là a (%) trên hàng hoá xuất khẩu sang Mỹ.
Dựa theo USTR, ta có thâm hụt mậu dịch của Mỹ đối với Việt Nam sẽ giảm với số lượng (ex-ante, giả sử các tham số vĩ mô khác không thay đổi) là
-(m-x)=∆t×ε×φ× m
Theo đó, m và x lần lượt là nhập khẩu và xuất khẩu của Mỹ đối với Việt Nam (hoặc xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam đối với Mỹ), (m-x) là thâm hụt mậu dịch của Mỹ đối với Việt Nam;
∆t = a,ε, là độ đàn hồi của nhu cầu hàng hóa Việt Nam đối với giá nhập khẩu, φ là tỷ lệ chuyển thuế quan vào giá tiêu dùng. Theo USTR, ε=4,φ=0.25. Năm 2024, là 136,5 tỷ USD.
Từ công thức trên, có thể thấy, tỷ lệ giữa thâm hụt thương mại và tổng nhập khẩu của Mỹ đối với Việt Nam là 123,5 tỷ USD/136,5 tỷ USD, tương đương mức ∆t = 90,05% là tỷ lệ thuế quan và phi thuế quan mà Mỹ nói Việt Nam áp dụng vào hàng hoá Mỹ.
Vì vậy, Mỹ sẽ đáp trả với mức thuế đối với hàng hóa Việt Nam ở mức ½ của con số này (tương đương 46%).
Thâm hụt mậu dịch của Mỹ đối với Việt Nam sẽ giảm với số lượng tỷ lệ với lãi suất thuế quan:136,5xa tỷ USD. Giả sử với thuế quan trung bình là 46%, thì thâm hụt mậu dịch của Mỹ đối với Việt Nam sẽ giảm khoảng 63 tỷ USD; với thuế quan ở mức 20%, con số này sẽ là hơn 27 tỷ USD; còn với thuế quan ở mức 15%, thì thâm hụt mậu dịch của Mỹ sẽ giảm gần 20,5 tỷ USD.
Lưu ý rằng, thâm hụt mậu dịch của Mỹ đối với Việt Nam chính là thặng dư mậu dịch của Việt Nam đối với Mỹ, như vậy với tỷ lệ thuế quan là 20% thì, thặng dư mậu dịch của Việt Nam đối với Mỹ sẽ giảm 27 tỷ USD.
Để phân tích về mục tiêu tăng trưởng 8% của Việt Nam cho năm 2025 trong bối cảnh thuế quan hiện nay, ta dùng công thức kế toán cho GDP của Việt Nam.
Theo đó, GDP là tổng của tiêu dùng (C), đầu tư (I), cán cân cân thương mại đối với Mỹ (X-M)US và cán cân thương mại phần còn lại của thế giới (X-M)TG. Theo nhận định của các chuyên gia, dựa trên số liệu của Tổng cục thống kê và USTR cho năm 2024, cán cân thương mại với Mỹ là 123,4 tỷ USD, chiếm 25,9% GDP (tức thặng dư mậu dịch); cán cân thương mại với phần còn lại của thế giới là -98 tỷ USD (tức thâm hụt mậu dịch), chiếm -20,6% GDP; đầu tư chiếm 32% GDP; tỷ lệ tiêu dùng là 62,7% GDP.
Năm 2024, GDP của Việt Nam khoảng 476 tỷ USD. Như vậy, theo chỉ tiêu tăng trưởng 8%, GDP sẽ phải đạt con số 514 tỷ USD trong năm (theo giá 2024), cao hơn năm 2024 khoảng 38 tỷ USD.
Giả thuyết, các chỉ số vĩ mô của nền kinh tế Việt Nam không thay đổi, trừ mức thuế quan của Mỹ đối với hàng hoá Việt Nam. Năm 2025, với con số GDP bằng 514 tỷ USD, trước khi Mỹ áp thuế quan mới. Chỉ tiêu tăng trưởng 8% sẽ đạt được với điều kiện có Việt Nam có thặng dư mậu dịch với Mỹ là 133 tỷ USD.
Với thuế mới, thặng dư mậu dịch của Việt Nam đối với Mỹ năm 2025 sẽ là (133-136,5×a) tỷ USD.
Ở kịch bản cụ thể hơn, với mức thuế quan là 46%, thặng dư mậu dịch với Mỹ trong 2025 sẽ còn 70,2 tỷ USD (có thể thấp hơn con số này, do hiện nay đã là tháng 4 năm 2025, chiếm khoảng 13,6% GDP. Việt Nam cần kiếm thêm 63 tỷ USD (tương đương 12,3% GDP) để bảo đảm đạt được chỉ tiêu tăng trưởng 8%.
Với kịch bản mức thuế quan là 15%, thặng dư mậu dịch với Mỹ sẽ là 112,5 tỷ USD, chiếm 21,9% GDP. Trong trường hợp này, tăng trưởng của Việt Nam chỉ xấp xỉ khoảng 3,7%, còn thiếu 20,5 tỷ USD để đạt chỉ tiêu tăng trưởng 8%.
Như vậy, trong trường hợp có thuế quan mới, mục tiêu tăng trưởng 8% cho năm 2025 sẽ khó đạt được, nếu không có những thay đổi quan trọng trong cấu trúc GDP của Việt Nam, tức là tỷ lệ trong GDP của tiêu dùng (C), đầu tư tư nhân và đầu tư công và cán cân thương mại với phần còn lại của thế giới (X-M)TG.
Lê Văn Cường, Nguyễn Văn Phú, Tô Thế Nguyên
Theo Whitehouse/GSO/National Trade Estimate Report
P. NCKH&HTPT tổng hợp